TIẾT KIỆM CHI PHÍ TRONG THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
(Xây dựng) – Chi phí là vấn đề được đặt ra hàng đầu trong quá trình lên kế hoạch và triển khai các công trình xây dựng từ quy mô nhỏ như nhà ở gia đình đến các công trình cơ sở hạ tầng lớn. Trong điều kiện khí hậu ngày càng biến động như hiện nay việc tiết kiệm chi phí trong thiết kế và xây dựng cần được quan tâm bằng việc áp dụng những giải pháp thích hợp.
Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là xác định được chi phí so với giá trị của công trình xây dựng. Chi phí thấp nhất không phải lúc nào cũng đem lại giá trị cao nhất trong dài hạn, bởi hơn 70% chi phí của một tòa nhà dành cho việc bảo trì, sửa chữa, trong khi đó việc thiết kế và xây dựng chỉ chiếm 20% chi phí. Do vậy, nếu đầu tư ban đầu hợp lý và hiệu quả sẽ thu được những giá trị to lớn trong suốt vòng đời của công trình xây dựng.
Đội ngũ thiết kế và xây dựng càng sớm có thể làm việc cùng nhau thì thiết kế công trình sẽ càng hoàn hảo, càng có nhiều cơ hội hơn để tiết kiệm chi phí cho công trình.
Đối với các nhà đầu tư ngay từ khi có kế hoạch xây dựng công trình cần yêu cầu kiến trúc sư, nhà thầu và đội ngũ kỹ thuật thực hiện việc đánh giá mặt bằng trước khi đầu tư mua đất. Ngoài ra, có thể xem xét cải tạo các công trình cũ thay vì xây dựng mới hoàn toàn nhằm tiết kiệm chi phí. Đơn cử như một trường học cũ hay một tòa nhà công cộng có thể cải tạo thành một khu nhà ở độc đáo.
Khi đi vào thiết kế, các kiến trúc sư có thể áp dụng một số giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí cho công trình xây dựng. Để tạo một không gian sống rộng và thông thoáng thì một hệ thống thông gió chéo có thể giúp giảm chi phí sưởi ấm hay làm mát cho ngôi nhà. Thiết kế cửa sổ ở hai bên của ngôi nhà giúp thu được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Thiết kế bếp hình dạng chữ L hay chữ U đem lại hiệu quả về không gian hơn kiểu thiết kế đặt hai tủ bếp song song. Đơn giản hóa hình dạng của tòa nhà để việc thi công xây dựng ít tốn kém hơn. Ngoài ra, cầu thang và hành lang có kiểu dáng đơn giản sẽ tiết kiệm được diện tích.
Phương pháp xây dựng mô-đun hay quá trình tiền chế các phần của công trình trong nhà xưởng sau đó vận chuyển đến địa điểm xây dựng và lắp ráp chúng với nhau, được xem là một giải pháp hữu ích giúp tiết kiệm chi phí xây dựng. Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích bao gồm tiết kiệm nhân lực, tăng năng suất lao động bởi việc thi công không bị gián đoạn do thời tiết hay giúp giảm lãng phí vật liệu. Điều này đòi hỏi khâu lập kế hoạch và tổ chức tốt để có thể sử dụng hiệu quả phương pháp xây dựng mô-đun cho dự án. Nhà thầu cần làm việc với nhóm thiết kế bao gồm các kiến trúc sư và kỹ sư để đảm bảo các đơn vị mô-đun được xây dựng chính xác.
Chọn vật liệu bền và linh hoạt trong thay thế có thể giúp tiết kiệm chi phí. Nên sử dụng nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp tại địa phương để tiết kiệm chi phí vận chuyển và dễ dàng bảo trì, bảo dưỡng dài hạn.
Một công trình xây dựng đạt hiệu quả về chi phí cần đảm bảo đạt ít nhất 60% tiêu chuẩn bền vững bao gồm thông gió tự nhiên, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng…